"Cơn bão Cytokine" - còn gọi là "cuộc nổi loạn của hệ miễn dịch" - hủy hoại nội tạng người nhanh chóng, được chú ý thời gian qua khi nó gây ra hàng loạt ca tử vong do Covid-19 khắp thế giới, cũng như khiến một phi công Anh trở thành bệnh nhân Covid-19 nặng nhất Việt Nam. Hồi đầu tháng 5 vừa qua, Đại học Y khoa Georgia ở Augusta (Mỹ) công bố nghiên cứu khoa học cho thấy lọc máu có thể làm dịu "cơn bão Cytokine". Điều ít ai ngờ là từ 9 năm về trước, tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, các bác sĩ (BS) đã tìm ra chiếc máy lọc máu để khắc chế cơn bão này do virus EV71 gây ra, giành lấy sự sống cho nhiều bệnh nhi.
"Tôi đại diện nhóm tử vong"
Dịch bệnh tay chân miệng (TCM) nặng nhất lịch sử xảy ra vào năm 2011-2012. Lúc đó, lọc máu liên tục để cứu những bệnh nhi chưa hề tồn tại trong phác đồ điều trị TCM của Việt Nam lẫn Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Khác với chủng Coxsackie A16 trước đó và những năm sau này, chủng "tử thần" EV71 gây ra thể bệnh cực nặng, lấy mạng hàng trăm đứa trẻ.
Ý tưởng dùng máy lọc máu chống lại "cơn bão Cytokine" và các biến chứng nặng khác đã ghi tên 2 BS chuyên khoa II của Khoa Hồi sức tích cực - chống độc BV Nhi Đồng 1 là BS Nguyễn Bạch Huệ - trưởng khoa và BS Nguyễn Minh Tiến - phó khoa. Để rồi, lọc máu và giúp thở sớm - những kiểu điều trị chưa từng có trong y văn - đã đi vào quyển cẩm nang điều trị TCM mang tên BV Nhi Đồng 1, nhanh chóng được ứng dụng khắp Việt Nam.
(Trích từ bài "Những "bàn tay vàng" y khoa: "Chiến binh" giữa đôi bờ sinh tử" đăng tại nld.com.vn)
Về BS Nguyễn Minh Tiến (Giải thưởng KOVA 15 (năm 2015) – Hạng mục Kiến tạo): Năm 2015, BS. Nguyễn Minh Tiến, Nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) từng được vinh danh tại Hạng mục Kiến tạo của Giải thưởng KOVA lần thứ 15 nhờ công trình nghiên cứu và phát triển kỹ thuật lọc máu liên tục trong điều trị bệnh tay chân miệng, giành lấy sự sống cho nhiều bệnh nhi có tiên liệu xấu. Đây là kỹ thuật tiên tiến lần đầu tiên được BV Nhi đồng 1 triển khai vào năm 2011, sau đó được chuyển giao, chia sẻ cho nhiều bệnh viện trên cả nước. Lọc máu liên tục cũng được triển khai điều trị suy đa cơ quan do ong đốt (đặc biệt có bệnh nhi bị đốt hàng trăm vết), tăng tỉ lệ cứu sống từ 20% lên đến hơn 90%.Tìm hiểu thêm tại: https://bit.ly/2ULLvDb |